Sức khỏe có vấn đề và cần kiểm chứng, bạn cần khám sức khỏe tổng quát để theo dõi tình hình bản thân? Khi đến bệnh viện, thường bác sĩ sẽ chỉ định bạn đi xét nghiệm máu. Vậy quy trình lấy máu xét nghiệm và một số lưu ý cần nắm trong tình huống này là gì?
Quy trình lấy máu xét nghiệm thường thấy tại bệnh viện
Mỗi bệnh viện sẽ quy định riêng về quy trình lấy máu xét nghiệm. Bài viết dưới đây mô phỏng quy trình chung nhất mà gần như ở bệnh viện nào cũng thực hiện. Bạn có thể tham khảo trước các thông tin này để chuẩn bị cho buổi xét nghiệm sắp tới.
Chuẩn bị trước khi xét nghiệm máu
Trước tiên, bạn sẽ đến bệnh viện và yêu cầu thăm khám. Ở bước này sẽ phải bốc số, nên nếu đến các bệnh viện đông bệnh nhân, bệnh viện lớn bạn nên đến sớm để tránh mất thời gian trong quá trình chờ đợi. Sau khi có số và được chuyển lên phòng khám chuyên khoa, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn có thuộc trường hợp phải xét nghiệm máu hay không.
Nếu có yêu cầu cần thực hiện lấy máu xét nghiệm, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể nơi bạn cần đến để làm thủ tục này. Thông thường, khi đến khu vực lấy máu xét nghiệm, bạn cần nộp tờ giấy chỉ định xét nghiệm máu cho bác sĩ ở khu vực này. Sau đó, chờ được gọi đến tên mình. Bạn nên thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để không phải mất thời gian, nếu chưa hiểu, hãy hỏi lại.
Lấy máu xét nghiệm
Bước tiếp theo trong quy trình lấy máu xét nghiệm chính là việc bác sĩ thực hiện rút máu từ cơ thể bạn. Bước này thường chỉ tốn từ năm đến 10 phút để thực hiện. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, việc lấy máu nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các yếu tố này bao gồm: kinh nghiệm của bác sĩ hoặc nhân viên điều dưỡng, kích cỡ tĩnh mạch,…
Thông thường, nhân viên y tế sẽ lấy máu ở khu vực khuỷu tay, tùy vào ven bên nào tiện và dễ lấy hơn mà thực hiện. Nếu việc lấy ven ở khu vực này quá khó khăn, nhân viên y tế có thể yêu cầu lấy ở mu bàn tay của bạn. Đối với trẻ em, mẫu máu các bé thường được lấy ở đầu ngón tay áp út.
Trước khi lấy máu, nhân viên y tế dùng một dây ga rô quấn khu vực cần lấy máu để làm máu chảy chậm lại, đồng thời bước này giúp tĩnh mạch nổi rõ hơn. Tiếp theo, nhân viên y tế dùng băng gạc để vệ sinh sạch vùng da và khử trùng. Đối với trẻ em có thể sử dụng thuốc xịt, kem đặc trước khi lấy máu.
Có thể bạn quan tâm: Di truyền nhóm máu – Xác định huyết thống qua nhóm máu ABO có chính xác không?
Khi bác sĩ đưa ống kim vào cơ thể, bạn có thể cảm thấy hơi ngứa và châm chích, nhưng không phải cảm giác quá đau đớn. Sau khi lấy máu, kim được rút ra, bác sĩ dùng một miếng bông để ngăn máu chảy. Lúc này, bạn phải cần giữ chặt bông trong vài phút, ngăn máu tiếp tục chảy.
Một số lưu ý cần nắm khi đi xét nghiệm máu
Các phương pháp xét nghiệm máu được thực hiện nhằm đưa ra kết luận chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn nên lưu ý tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để quá trình xét nghiệm máu suôn sẻ. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Trước khi lấy máu xét nghiệm nên nhịn ăn ít nhất từ 6 – 8 tiếng. Nếu thực hiện lấy máu xét nghiệm vào buổi sáng thì nên nhịn ăn sáng. Nếu bạn vẫn muốn ăn, lưu ý kiêng các loại thực phẩm chứa đường, đồ uống có gas, hoặc thực phẩm chứa nhiều năng lượng. Các loại thực phẩm này sẽ làm tăng đường trong máu và làm ảnh hưởng đến kết quả.
Không sử dụng chất kích thích trước khi làm xét nghiệm máu. Đây là nguyên nhân dẫn đến kết quả xét nghiệm bị sai lệch. Vì vậy, rượu, bia, cafe, thuốc lá cần được kiêng sử dụng trước quy trình lấy máu xét nghiệm.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể tránh tình trạng mất nước. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình lấy máu cũng như kết quả xét nghiệm máu.
Nếu bạn cảm thấy sợ hãi việc lấy máu, sợ kim và sợ chích, hãy báo bác sĩ. Các bác sĩ sẽ tạo cho bạn cảm giác thoải mái nhất khi thực hiện công việc này.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc, đặc biệt các loại thuốc tim, tiểu đường hoặc huyết áp, hãy thông báo với bác sĩ. Họ sẽ đưa ra cho bạn một chỉ dẫn phù hợp.
Kết
Trên đây là quy trình lấy máu xét nghiệm và một số lưu ý mà bạn cần nắm. Để việc xét nghiệm máu đem lại kết quả chính xác nhất, bạn nên đảm bảo thực hiện đúng với các lưu ý trong bài. Đồng thời, bạn nên làm đúng các bước đã được bác sĩ hướng dẫn. Hiện nay, quy trình xét nghiệm máu tại các bệnh viện đã được cải tiến không ngừng, đảm bảo kết quả chính xác, nhanh chóng và kịp thời.