Trường hợp nào giáo viên được phép dạy thêm là câu hỏi nhiều người quan tâm. Việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh và giáo viên khi học lực của con em mình không theo được chương trình dạy trên trường hay các trường hợp học sinh muốn nâng cao học lực của mình để ôn luyện chuyên sâu cho các cuộc thi mà chương trình học trên trường không đáp ứng được. Vậy, quy định của pháp luật về việc học thêm, dạy thêm như thế nào?
Theo báo Lao động đưa tin, mới đây, trường Tiểu học Trần Phú, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức họp, đề xuất kỷ luật khiển trách đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 1B do tổ chức dạy thêm tại nhà.
Trước đó, ngày 4.12, người dân phản ánh về việc cô giáo này tổ chức dạy thêm trái quy định cho học sinh lớp 1 tại nhà riêng ở phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh). Trường hợp của cô giáo nêu trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, những trường hợp nào giáo viên được phép dạy thêm và liệu có được dạy thêm học sinh của mình chủ nhiệm trên lớp.
Quy định về việc dạy thêm của giáo viên
Giáo viên có được dạy thêm không?
Theo quy định, pháp luật không cấm giáo viên không được dạy thêm, việc dạy thêm học thêm là rất cần thiết và bổ ích cho những trường hợp học sinh có học lực yếu kém hoặc học sinh có khả năng học tập tốt vượt trội hơn hẳn các bạn đồng trang lứa.
Tuy nhiên, hiện nay học thêm, dạy thêm biến tướng rất nhiều hình thức không mang lại hiệu quả như mục đích học thêm cho học sinh. Việc học thêm khiến học sinh quá tải về khối lượng kiến thức quá nhiều, hơn nữa các em học sinh phải học tập kín cả ngày, cả tối, không có thời gian nghỉ ngơi ảnh hưởng trực tiếp tới học lực và tinh thần của các em. Không ít các em học sinh bị trầm cảm trong một thời gian dài.
Hơn nữa, việc dạy thêm ở một số nơi, một vài trung tâm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh để thu lợi nhuận lợi dụng lòng tin của phụ huynh và học sinh.
Giáo viên được dạy thêm trong trường hợp nào?
Giáo viên được phép dạy thêm nhưng được dạy thêm trong trường hợp nào?
Vấn đề dạy thêm của giáo viên được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Giáo viên được phép dạy thêm khi việc dạy học thêm đó không thuộc trường hợp cấm dạy thêm tại Điều 4 Thông tư 17:
Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
=> Nếu không thuộc một trong các trường hợp này thì giáo viên được dạy thêm.
Giáo viên Tiểu học có được dạy thêm không?
Pháp luật không quy định việc dạy thêm dành riêng cho đối tượng giáo viên ở cấp bậc nào, giáo viên được dạy thêm khi không vi phạm các trường hợp không được dạy thêm tại Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. được trích dẫn tại muc 2 nêu trên.
Giáo viên THCS có được dạy thêm không?
Điều 4 Thông tư 17 chỉ cấm việc dạy thêm đối với học sinh Tiểu học. Do đó, giáo viên THCS được phép dạy thêm, nhưng phải không thuộc các trường hợp không được dạy thêm nêu trên.
Giáo viên THPT có được dạy thêm không?
Học sinh THPT thường có nhu cầu học thêm nhiều hơn các cấp học Tiểu học và THCS bởi THPT là giai đoạn gấp rút và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT để thi vào các trường đại học. Nên ở giai đoạn này, học sinh cần chuẩn bị kiến thức vững vàng để có thể đạt được các nguyện vọng như mong muốn.
Tuy nhiên, không vì vậy mà giáo viên THPT được phép dạy thêm mà không phải tuân thủ theo quy định. Để được dạy thêm, giao viên THPT phải không thuộc các trường hợp không được dạy thêm tại mục 4 nêu trên.
Thủ tục xin cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường
Các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường được quy định tại Thông tư 17 đã hết hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên các bạn có thể tham khảo thủ tục xin cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường dưới đây:
Hồ sơ xin cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường:
- Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã về thực hiện các quy định tại khoản 1, Điều 6 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
- Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
- Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận theo quy định tại khoản 5, Điều 8 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
- Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
- Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
- Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
Nộp hồ sơ:
- Các bạn nộp hồ sơ nêu trên cho UBND cấp huyện hoặc Phòng Giáo dục và đào tạo nếu được UBND cấp huyện ủy quyền.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo thông tư mới về quy định dạy thêm, học thêm.
Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó, quy định:
Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với hiệu trưởng việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.
Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức, thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
Dự thảo cũng đưa ra quy định mới về việc phải công khai khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Cụ thể:
Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Như vậy, dự thảo thông tư không cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình khi học sinh và phụ huynh thực sự có nhu cầu.
Khi có hiệu lực, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 của Bộ GDĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
Song hiện tại, khi dự thảo chưa có hiệu lực, các quy định dạy thêm, học thêm vẫn thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.